Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

GIÀN BẦU ĐẮNG

                                                                    

   Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về giàn bầu đắng. Chuyện có thật một trăm phần trăm. Và tôi, người viết những trang này, dù sao cũng còn chút lòng tự trọng khi khẳng định như vậy. Còn các bạn có tin không thì tùy.
        Thật ra, từ điềm gỡ (điềm xấu) chẳng xa lạ gì với hết thảy chúng ta, đúng không bạn ? Tuy nhiên, những chuyện kể về điềm báo cho  linh hồn một con người vừa thăng thiên luôn được người ta thêu dệt thêm cho li kì vì rất khó có ai kiểm chứng. Phần lớn mọi người chỉ được nghe kể lại, rồi thêm thắt vào cho có vẽ linh ứng sau khi có người thân đột ngột ra đi. 
       Thú thật với các bạn rằng, trước khi bản thân tôi trở thành người trong cuộc, là nhân chứng sống của câu chuyện này, tôi vẫn thường cố lắng nghe, rồi giả vờ tin qua tin quýt cho được lòng người kể. Các bạn cũng thường làm như thế phải không ?
        Nhưng câu chuyện về giàn bầu của cha tôi trồng vào năm đệnh mệnh ấy lại hoàn toàn khác .

Giữa tháng hai âm lịch hàng năm, khi trời vừa ấm dần lên thì mọi nhà trong làng tôi đều bắt tay  vào trồng bầu trồng bí để lấy trái ăn. 
        Năm nào cũng thế, trước khi trồng, ngay từ đầu tháng giêng, cha tôi đã phá vồng đất cũ, ra ao gánh đất mới đổ vun lên thành một đống dài. Đi đâu gặp phân trâu, phân bò gì, cha tôi cũng nhặt về đổ trộn vào đống đất. Lâu ngày, phân trộn đất mùn hoai ra, trồng bầu bí xuống thì tha hồ mà hái  trái.
         Chắc các bạn đang nóng lòng muốn biết  ngay câu chuyện bầu đắng là thế nào phải không ? Thế thì tôi  không dài dòng thêm nữa.
         Giàn bầu cha tôi trồng năm Đinh Mùi ấy lại được xuống giống muộn hơn mọi năm một chút. Khi bí ngô đã được hái vào cất đầy dưới gầm bàn thờ thì bầu mới bắt đầu ra hoa bói.. Những bông hoa đực trắng nõn nà, cuốn dài vươn cao lên trời, lơ phơ trong nắng. Còn những bông hoa cái vừa nhú ra đã trông thấy phần quả bám đầy lông tơ mịn màng. Lũ ong tha hồ bay tới hút mật, thụ phấn cho bầu một cách tự nhiên.
        Năm đó, lá bầu xanh mướt đến kì lạ. Khắp cả giàn, đọt bầu nào cũng phơi phới tốt tươi vươn thật nhanh ra phía trước. Những ngọn lá già cũng rất lâu vàng, bởi mặt lá dày dặn, xanh sậm, bám đầy những sợi lông cứng như cước, tủa ra dài lắm, bụi không bám được. 
        Mỗi sáng, khi ra ngắm nghía giàn bầu, cha tôi thường nói :
  - Năm ni bầu to trái phải biết. Mạ con Thái chuẩn bị lấy sức mà sương*(gánh) đi bán !
       Mạ tôi cười :
  - Tui sương không hết thì cha hắn sương gìum, lo chi ! Ừ, mà lạ thiệt, năm ni nó tốt chi mà tốt lạ rứa cha hắn hè ?
       Cha tôi khiêm tốn, không ỷ công mình chăm sóc bấy nay, giả lả :
  - Trời thương thì trời cho. Trời cho ai nấy dạ mạ hắn nờ !
       Trời không bao giờ phụ lòng người siêng năng cần mẫn.
       Đợt đầu ra bói, giàn bầu nhà tôi đậu gần hai chục trái. Đặc biệt là qua một đêm, những trái bầu nõn nà to ra nhanh như cái bong bóng có ai đó đã thổi phồng lên trong đêm.
         Dì Cọp sáng sáng qua chơi, đặng xin nhánh chè xanh về nấu uống, ngày nào cũng đùa :
  - Rứa thì en chị có đặt ống vô mà thổi à ? To chi mà to mau quá, ngó mà bắt dễ sợ luôn rứa ?
  - Mai mốt qua tui cho ít trái. Khen nịnh mãi nó đẹt đi mất à nghe !
                                                                   @@@
      
Đến khoảng hai mươi hai tháng năm âm lịch thì những trái bầu đã dài ra chừng hơn một mét. Cha tôi nhắm chừng ăn được rồi,  nói với mạ :
  - Mai mạ con Thái đi chợ mua ít tôm khô vô nấu trái bầu non mà ăn ! Mền ăn trước cho sướng miệng cái đã, bán sau mạ mi hí ?
  - Mai hăm ba tháng năm, cúng cô hồn chiến sĩ trận vong* tui mua áo binh, hột nổ, áo cháo gạo muối cúng luôn cha hắn nghe !
  - Rứa à ? Tui quên mất. Hồi xưa, ông nội mấy đứa hay kể ngày thất thủ kinh đô, Tây nó bắn mình chết hằng hà sa số, mạ hắn hè ?
        Trưa hôm sau, mạ tôi thiết bàn thờ cúng cô hồn. Ngoài nhang đèn, hoa quả, trên bàn thờ còn bày những chiếc lá mít rải cơm, cháo, gạo, khoai sắn v.v . Ý nghĩa của việc làm này là người sống cúng cô hồn cái  ăn cho đỡ đói khát. Đây là một tục lệ đầy tính nhân văn của người dân xứ Huế. 
         Trước khi nấu bửa ăn tối, mạ tôi nói :
  -  Cha con Thái ra ngoài giàn lựa hái cho tui trái bầu  nghe !
         Cha tôi ra hái trái bầu ngon nhất mang vào bếp. Mạ tôi giã tôm khô, um sơ qua với mỡ, hành rồi cho nước vào, đun lên.Chị tôi đã xắt bầu thành từng miếng, chờ nước sôi lên mới thả vào cho miếng bầu giữ màu xanh xanh mới ngon mắt, ngon miệng. Bửa cơm chiều đã được dọn ra sân. Trời còn sót chút nắng trên đầu ngọn cau. Cả  nhà  quây quần ngồi vào ăn.
        Cha tôi dùng vá múc một chén canh đầy, cúi xuống húp nước canh xùm xụp. Cha chưa kịp nuốt canh trong miệng thì đã nhận ra canh có vị  gì đăng đắng, cứ nhằng nhằng lưỡi rồi kêu lên :
  - Mạ con Thái bỏ cái chi vô mà ken* (canh) đắng ri không biết ! Uổng trái bầu non với lại tôm khô rồi.
  - Bậy, đắng mô mà đắng. Nấu như mọi ngày chứ tui có bỏ chi thêm mô nờ ! Để tui nếm thử ! Hay là miệng cha con Thái đắng chơ !
        Cả nhà ngừng nhai cơm, chờ xem mạ tôi nếm thấy thế nào.
  - Ui … Ui, đắng thiệt cha mi hè ?
        Chúng tôi ngạc nhiên, người nào cũng múc một muỗng nếm thử. Tất cả đều phải nhả ra.
         Cha tôi nói :
  - Không biết răng nữa ! Thôi mạ hắn tới nấu lại nồi khác, tui ra hái thêm trái nữa nấu cho tụi hắn ăn.
        Nồi canh thứ hai vừa nấu lại cũng đắng ngắt, không thể nào ăn được. Mặt cha tôi tái mét. Cả nhà hoang mang không biết sự thể như thế nào. 
         Hồi lâu sau, cha tôi cố lấy lại bình tĩnh, nhưng giọng vẫn còn run run :
  - Lấy dao ra cắt hết đi, đem đổ ngoài đường xóm liền cho tui !
         Mạ tôi luýnh quýnh tìm dao hối hả chạy ra cắt, chúng tôi mỗi người ôm vài trái mang ra đường quăng lăn lốc ven bờ ao thoát nước. Đó là lúc trời chạng vạng tối ngày hăm ba t
 @@@

       Chuyện giàn bầu nhà tôi ra toàn trái đắng được bà con hàng xóm bàn tán xôn xao trong nhiều ngày. Trái bầu đắng là một trường hợp hy hữu, cả đời người chưa ai nghe nói đến một lần. Cả những người già nhất trong làng cũng bảo :
  - Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến chừ, tau chưa nghe nói bầu đắng khi mô hết bay ơi ! Chắc có chuyện chi đay. Coi mà cẩn thận một chút nghe. Rằm, mùng một thắp hương mà khấn vái đi ! Không hay mô.
        Nhưng rồi dần dần mọi việc cũng qua, tưởng chừng như không có gì đặc biệt. Cha tôi cũng đã lấy lại tinh thần, cứ nghĩ rằng do nó tốt quá mà sinh ra chất đắng, mọi người cũng đồng ý thế. Thời gian trôi đi. Tết sắp đến rồi.

                                                                      @@@

Trước ngày cúng đưa ông táo về trời, cha tôi nói với tôi :
    -  Chiều ni hai cha con mền ra ngoài nương đào tìm cái hũ của ông nội !
   - Hũ chi rứa cha ?
   - Cái hũ ông nội con chôn ngày Tây nó đánh lên làng mền, nó đốt nhà cháy sạch hết con nờ !
      Hai cha con ra gốc dừa xiêm trồng ở chái trên. Cha tôi nhắm nhắm vị trí rồi nói :
  - Ông nội chỉ chổ ni nì* (này)!  Đào xuống gặp hai viên gạch là đúng. Lấy gạch đi, đào tiếp hai tấc nữa gặp miếng ngói. Dưới là chiếc bình  đó !
  - Trong bình có chi không cha ?
  - Không biết nữa ! Nhưng ông nội ngày xưa đọc sách coi bói giùm người ta, có tiền lắm.  
        Cha tôi khoanh một vùng rồi từ từ đào dất. Nhưng đào hoài tới lớp đất sâu đến bốn năm tấc mà cũng chẳng thấy gì. Cha tôi ngừng tay, gạt mồ hôi, nói :
  - Ông nội chỉ đúng chổ ni mà, cách gốc dừa khoảng hai bước chân về phía đông chớ mô mà không gặp hè ?
  - Cha tôi ngẫm nghĩ mãi, rồi chợt nói :
  - Hay là ông nội đã cho bác bay về trước đào lấy  rồi,  sau quên nói với cha chớ răng mà không có được ?
        Chuyện đào hũ vàng của ông nội để lại có kết quả hay không thì không có gì phải nói. Điều đáng ngạc nhiên là tại sao bao nhiêu năm nay cha tôi lại không đi đào tìm ? Từ ngày Tây đánh lên đây đã hơn mười lăm năm còn gì ? Tại sao cha tôi lại dắt tôi đi đào vào đúng cái năm bầu cho trái đắng ? Có phải cha tôi vẫn linh tính được điều gì đó chẳng lành sắp xảy ra nên muốn dắt tôi đi tìm điều bí mật ? Không đâu. Tôi thấy thái độ của cha tôi chẳng có biểu hiện gì. Tất cả đều là sự ngẫu nhiên thôi. Cả đời lam lũ cực nhọc, sống vô tư vô lự, lặn lội núi cao sông sâu kiếm tiền nuôi nấng bầy con, có bao giờ cha tôi gây oán chuốc thù với ai đâu mà âu lo ái ngại.? Làm gì có chuyện ông trời mang tai họa đến nho người lành bao giờ ? 

                                                                     @@@
  
Sáng mùng một tết Mậu Thân, có tiếng loa ngoài đình, kêu gọi :
  - Các cụ các mẹ mau ra ngoài đình dự mít ting, cách mạng về rồi, thắng rồi !
       Cha tôi mặc áo dài the đen vào, thắp nhang vái  tổ tiên ông bà, rồi cúi xuống hầm dặn dò :
  - Mạ con Thái với mấy đứa ngồi yên dưới đó, tui đi dự một chút rồi về !
      Lưỡi hái của chiến tranh giơ lên. Súng đạn chẳng phân biệt người hiền lương. Cha tôi ra đi mà không bao giờ quay về gặp lại vợ con nữa. Cha ơi!

                            Bà Rịa.  2013



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét