Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

CỦ KHOAI CỦA MẠ


CỦ KHOAI CỦA MẠ
Mới đó mà đã bốn mươi năm.
Lúc ấy tôi là một sinh viên sư phạm đang thắc thỏm đợi chờ quyết định.
Thời gian này cũng chính là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống gia đình tôi, thời điểm mà tất cả tiền của mạ dành dụm được đã đem chi tiêu hết sạch đang khi sự hòa nhập của mọi người vào cuộc sống mới lại chưa thực sự bắt đầu.

Xin nhắc lại một chút, đất nước thống nhất dân làng tôi chập chững bước vào làm ăn theo kiểu tập đoàn sản xuất, rồi chừng một năm sau, nhà nước lại có chủ trương tiến lên hợp tác xã, người dân quê tôi bắt đầu sống với nhịp điệu sớm đi chiều về theo tiếng kẻng vỏ bom treo tòn ten ở cuối xóm mỗi đội sản xuất.

Cách làm ăn mới này, khi nghe cán bộ hợp tác giải thích mọi người hừng hực khí thế, tràn trề tin tưởng vào tương lai, nhưng không hiểu do đâu, từ sau ngày thực hiện, nhiều gia đình bắt đầu thiếu ăn, bữa cơm độn khoai sắn dần xuất hiện từ nhà này đến nhà khác, và tỉ lệ khoai sắn độn vào cơm cứ tăng dần lên, còn hạt gạo trong nồi ngày một giảm.

Dĩ nhiên, trong tình hình đó, hạt gạo, củ khoai trở thành thứ quý giá nhất ai cũng muốn cất kín, nhà này nhìn vào nồi cơm nhà kia, rồi mặc nhiên đánh giá sự sang hèn của nhau bằng tỉ lệ độn trong chén cơm gia đình. Một tiêu chí đánh giá hết sức ngộ nghĩnh.

Vừa thi tốt nghiệp xong, tôi rời nhà chị về quê sống với gia đình, không có việc gì làm, tôi hay lân la nhà hàng xóm, nhiều lần thấy tôi sang nhà chơi, O Trước ở cạnh nhà thường khoe:
- Nhà O độn vài ba lát sắn cho người ta khỏi ngó vô ngó ra, chứ khi ăn, tụi hắn cứ hất sắn ra, không chịu ăn độn mô !
Đó là một cách "khoe của" thời thượng lúc bấy giờ, thật là tội tình cho cái thời cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc chúng tôi đã từng trải qua. O Trước có cô con gái khá xinh, và O muốn câu rễ bằng sự no đủ của mình.
Mạ tôi thì không khoe khoang kiểu đó, chỉ cố làm mọi cách cho lũ con ăn được nhiều hơn với cái thứ khó nhai ấy.

Cứ vài ba ngày, mạ lại nấu một nồi canh sắn thơm bùi, các bạn hãy tưởng tượng : củ sắn lột vỏ, xắt lát mỏng dính, rồi nấu canh với ruốc và mỡ, hành, ngày đông tháng giá, mỗi người múc một vài chén canh nóng hổi ăn nể* ( ăn vả ) trước khi ăn cơm, thế là ai cũng no bụng, dù số cơm trong nồi rất khiêm tốn.
Có bữa, mạ tôi lại chọn loại sắn dẻo, củ nhỏ luộc lên một nồi to tướng, để sắn nguội bớt, mạ sắp vào mo cau rồi dùng chày giã hoặc ép dưới bộ ngựa to dày do ông nội để lại, biểu chúng tôi ngồi lên trên mà nhún nhảy. Sau khi ép, giã, những củ sắn đã giẹp lại, dính vào nhau dẻo dẻo, trông giống những cái bánh ngon mắt, bánh sắn kiểu đó chấm với muối mè, ăn ngon phải biết…
Còn khoai lang dây được hợp tác xã chia phần, củ to bằng ngón cái, thứ bây giờ heo chê, qua tay mạ vẫn trở thành món ngon, dễ nhai dễ nuốt cho no bụng. Mạ tôi biến hóa bằng cách kết hợp dưa chuối lá kiệu ăn kèm với loại khoa ấy. Này nghe: Thân cây chuối sứ xắt nhỏ, trộn với lá và rễ củ kiệu, nhồi muối hột, nhồi đi nhồi lại rồi vắt nước chát đi cho dưa thật khô, ngâm vào nước muối trong nửa ngày là có ngay món dưa muối chua chua hết sức đặc biệt. Khoai chín, mạ kho nồi nước ruốc mỡ đậm đà, dưa chuối chấm với thứ nước ấy ăn kèm với khoai lang dây không còn cảm thấy nóng cổ, do âm dương hài hòa.

Trong bữa ăn, mạ thường kể cho nghe chuyện đi làm đồng theo kiểu hợp tác, nhờ thế bữa cơm đạm bạc đỡ tẻ nhạt đi nhiều:
- Sáng ni tau được tám điểm. Tau đi sớm, nghỉ đúng giờ nên hợp tác bình lao động tốt, cộng cho thêm một điểm. Mấy mụ* ( bà ) khác, tra* ( già ) như tau là có bảy điểm thôi. Mười điểm một cân đó!
Tôi kháo chuyện với mạ cho vui nhà vui cửa :
- Công bằng ghê mạ hí ! Ai chấm điểm cho mạ mà ngon rứa ?
- Thì thằng Tháo ở xóm mền chớ ai !
- Ui ! thằng Tháo lúc tê* ( kia ) chuyên môn đứng chia bài cho mấy người chơi tứ sắc ngoài bác Xạ hả mạ ?
- Ừ ! hồi nớ thì rứa mà chừ hắn mần to, đội trưởng đội năm ni mà mi không biết à ?

- Con biết chơ mạ ! Thằng Tháo con mụ Thào ở đậu nhà ông Đình đó mà, con có nghe rồi !
- Ừ, oai lắm, hắn chỉ đi coi người ta mần. Đi lui đi tới trên bờ coi rồi hết giờ cho điểm, hắn không biết chữ nên nhờ thằng Đông ghi, cuối tuần cộng lại rồi đọc điểm cho bà con nghe, đàng hoàng lắm !
- Không biết chữ cũng làm được mạ hè !
- Ừ, người ta nói miễn có tinh thần, có “diệt tình” hăng say là được.
- Hắn hăng say lắm, hay lý sự nữa nhưng không biết răng đối với mạ hắn rất tội ! Lạ ghê chơ !
- Dạ, rứa cũng đỡ mạ hí ! Không biết chữ mà biết trên dưới, có trước có sau là tốt mạ hè ?
- Chắc là do trước đây tau hay cho hắn kẹo gừng mỗi lần nhờ hắn chạy qua nhà o Đờn mua đó. Mi còn nhớ o Đờn làm kẹo gừng không ?

Câu chuyện giữa hai mạ con tôi cứ từ đề tài nầy nhảy sang đề tài khác một cách ngẫu nhiên, Mạ tôi luôn kể cho tôi nghe những chuyện thật ngộ nghĩnh của xã viên thời cách mạng, những chuyện đương thời đầy vui buồn đắng cay, những chuyện “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt” như mạ tôi thường nói.
Có một điều lạ là tôi chưa từng nghe mạ oán than trách móc về cái cuộc sống đang thay đổi một cách lạ lùng, khiến nhà nào cũng lâm vào cảnh thiều thốn triền miên.
Mạ tôi nói, giọng chắc như đinh đóng cột : “CỰC THÌ CỰC CHUNG, CÓ NGƯỜI TA CÙNG MỀN, CÓ MẦN LÀ CÓ ĂN, KHÔNG ĐƯỢC ĂN CẮP ĂN TRỘM CỦA AI, CHẾ ĐỘ MÔ TAU CŨNG NUÔI TỤI BAY NO HẾT”

Trong cái đói nghèo, mạ tôi vẫn thường răn dạy tôi như thế, đó chính là lời giáo huấn đơn giản nhất, dễ tiếp thu nhất để rồi từng ngày ăn sâu vào tận đáy lòng, tôi không thể nào quên được.
Tôi biết rất rõ, sống cho ra sống là điều mạ tôi thật lòng mong đợi ở đứa con trai được mạ cho đi học đôi ba chữ như tôi bấy giờ.

Mùa đông năm 1977, tôi vừa mới nhận được quyết định bổ nhiệm, đã đi dạy hơn tháng nhưng vẫn chưa có lương tiền, thứ bảy đạp xe về nhà, mạ và chị đi làm đồng chưa về. Thằng Út còn đi học tận trường cấp ba Đặng huy Trứ đến giờ cũng không thấy bóng dáng đâu. Đến gần trưa, tôi lục tìm gạo hoặc khoai sắn gì đó để đem ra nấu ăn, trong các lu khạp đều trống trơn. Nỗi xót xa dâng trào, tôi rầu rỉ đi lòng vòng quanh mảnh vườn cằn cỗi, tìm thứ gì đó nhai khan cho đỡ buồn miệng, đợi mạ về. Cây trái chỉ toàn là những thứ còn non, mấy buồng chuối già quả chỉ mới nhú bằng đầu ngón tay cái. ổi cũng vừa đậu trái, chỉ to bằng quả cau… Chẳng có gì để đưa vào miệng.

Chợt có tiếng mạ và chị về, tôi chạy nhanh vào nhà, chưa kịp nói gì đã thấy mạ tôi thủng thẳng rút từ trong bụng ra ba bốn củ khoai . Tôi ngạc nhiên :
- Mạ ơi ! khoai hợp tác chia răng mà ít rứa mạ ? chỉ được mấy củ ni thôi à ?
- Mạ tôi vừa thở hổn hển, vừa cười :
- Khoai mạ thu* ( dấu đi ) của hợp tác chớ chia mô mà chia !
- Khoai chưa to răng mà đã bới mạ hè ?
- Mấy ngày trước mưa to quá, nước ngập vồn(vồng) khoai bị thâm hết, hợp tác kêu xã viên đi đào …
- Rứa răng mà mạ có mấy củ to rứa mạ ?
- Nhà mô cũng đói, sợ trưa không có chi nấu nên ai cũng dấu mấy củ trong bụng đem về, tới đầu cổng làng, du kích rờ áo lấy hết, tức cười lắm, mụ mô trong bụng cũng thu cả bọc, nó lục ra để một đống con nờ !
- Răng mạ lại đem về được ?
- Thì thằng Tháo để cho tau qua, không lục lọi chi hết. May ghê !
Rồi mạ tôi kêu :
- Thái ơi, đặt nồi lên luộc mấy củ khoai đi, thằng Quyền đi họt gần về rồi đó. Thằng Vĩnh en cũng đói bụng rồi phải khôn ? Tau đoán hay chưa, đàng mô thứ bảy ni mi cũng về, may mà có mấy củ khoai…

Tôi đứng trân trân nhìn mấy củ khoai của mạ mà chết lặng cả cõi lòng.
Mạ ơi ! Mạ dạy con như thế nào về nhân cách trong những khi no đói cơ hàn con đã hứa với lòng mình chẳng bao giờ quên !
Còn mạ, khi sợ chúng con đói lòng, chính mạ đã quên lời gia huấn quý báu bao nhiêu năm răn dạy chúng con rồi sao !!!?

Nguyên Bình

1 nhận xét:

  1. Mỗi câu mỗi chữ dẫn ta về một thời khó quên, ở đó hình ảnh Mạ còng lưng với bao nỗi nhọc nhằn, với tràn đầy yêu thương...

    Cám ơn NB đã kể cho nghe
    để cùng nhớ cùng thương,
    mảnh đất nghèo
    với một thời đã qua còn nhớ mãi.

    Trả lờiXóa